Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, biến chứng tăng huyết áp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để kiểm soát biến chứng tăng huyết áp? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây.
I. Biến chứng tăng huyết áp bắt nguồn từ đâu?
Biến chứng tăng huyết áp bắt nguồn từ huyết áp cao lâu ngày đến biến chứng. Tình trạng huyết áp cao được xác định khi chỉ số đo huyết áp của bệnh nhân lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp gồm tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp nguyên phát: Do di truyền hoặc lối sống không lành mạnh như thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, lười vận động, uống rượu bia,… Tuổi tác cao cao hoặc có bệnh đái tháo đường cũng là một trong những nguyên nhân nguyên phát dẫn đến cao huyết áp.
Tăng huyết áp thứ phát: Do bệnh nhân có một bệnh nền liên quan đến các bộ phận như thận (viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận mãn, hẹp động mạch thận,…); tuyến thượng thận hoặc một số bệnh lý nội tiết như như cường giáp, suy giáp, bệnh Cushing,…
II. Làm thế nào để phát hiện cao huyết áp?
1. Phương pháp chẩn đoán cao huyết áp
Để sớm phát hiện và điều trị cao huyết áp, bạn có thể thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp bằng các phương pháp sau:
- Tiến hành đo huyết áp tại phòng khám: chỉ số đo huyết áp của bệnh nhân lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
- Chỉ số huyết áp đo tại nhà lớn hơn hoặc bằng 135/85 mmHg.
2. Hướng dẫn đo huyết áp tại nhà đúng cách
Đối với người cao tuổi, cần phải kiểm tra và theo dõi huyết áp thường xuyên. Theo đó, bạn có thể áp dụng đo huyết áp tại nhà theo các hướng dẫn sau:
- Không sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, cafein,…) trước 2h, nên nghỉ ngơi trước 15 phút khi đo huyết áp.
- Nằm hoặc ngồi dựa lưng, chân chạm sàn, tay duỗi thẳng, đặt ngang tim để giúp đo chỉ số huyết áp chính xác.
- Theo dõi chỉ số huyết áp của cả 2 tay ở lần đo đầu và theo dõi thường xuyên nếu nhận thấy có dấu hiệu cao huyết áp.
- Dùng máy đo tự động, loại có băng quấn cánh tay có kích thước phù hợp để kiểm tra.
III. Tăng huyết áp lâu ngày có thể dẫn đến biến chứng gì?
Tăng huyết áp nếu không được kiểm soát hoặc điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như:
1. Tổn thương tim mạch, dẫn đến suy tim
Khi huyết áp cao, tim phải hoạt động với công suất lớn để đảm bảo đủ lượng máu cung cấp cho các mạch ngoại biên. Làm việc liên tục với tần suất lớn sẽ làm suy giảm chức năng hút máu về tim, lượng máu ứ đọng ở phổi gây khó thở, tức ngực và dẫn đến suy tim. Nếu điều trị tăng huyết áp trong thời gian dài mà không ổn định, tình trạng suy tim có thể diễn biến ngày một nặng hơn.
2. Tổn cho võng mạc
Người bị huyết áp cao thường gặp phải tình trạng các mạch máu nhỏ ở đáy mắt bị tổn thương, phân bổ ngoằn ngoèo, cứng, co thắt hoặc bị phù nề. Đây chính là biểu hiện của bệnh võng mạc do cao huyết áp. Bệnh lý này nếu ở mức độ nhẹ sẽ khó phát hiện vì không có biểu hiện rõ ràng, trường hợp nặng có thể dẫn đến suy giảm thị lực, mắt mờ hoặc mù mắt. Để sớm phát hiện bệnh võng mạc do cao huyết áp, bạn cần chụp võng mạc và kiểm tra mắt định kỳ.
3. Ảnh hưởng đến động mạch chủ
Chỉ số huyết áp liên tục tăng cao chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giãn, phình động mạch chủ. Cao huyết áp kéo dài có thể gây nên hiện tượng bóc tách động mạch, trường hợp nặng có thể dẫn đến vỡ động mạch chủ khiến người bệnh tử vong.
4. Gây suy giảm trí nhớ
Một số nghiên cứu cho thấy rằng, người cao tuổi bị tăng huyết áp có nguy cơ rối loạn và suy giảm trí nhớ. Nếu không điều trị cao huyết áp kịp thời có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
5. Tăng nguy cơ đột quỵ
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, chỉ số huyết áp tăng – hạ bất thường ở người cao huyết áp dễ gây đột quỵ não và gặp các biến chứng khôn lường như liệt nửa người, đi đứng, nói năng khó khăn, giảm trí nhớ, lú lẫn,… thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
6. Gây biến chứng thận
Đây là biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm làm ảnh hưởng đến các chức năng lọc các chất thải từ máu của bạn. Trường hợp người bệnh vừa tăng huyết áp, vừa tiểu đường sẽ dẫn đến tổn thương thận trầm trọng hơn.
Huyết áp cao có thể dẫn đến các biến chứng thận sau:
- Xơ cứng cầu thận: Tình trạng này thường gặp phải khi các mạch máu nhỏ bên trong thận hình thành sẹo và không thể thực hiện được các chức năng.
- Suy thận: Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu, làm cho lượng chất thải và chất lỏng tích tụ trong thận dẫn đến suy thận. Nếu tình trạng này kéo dài bạn cần phải tiến hành lọc máu hoặc thay thận.
IV. Cách phòng ngừa biến chứng cao huyết áp?
Để phòng ngừa các biến chứng tăng huyết áp, bạn cần:
- Thường xuyên tầm soát huyết áp, tối thiểu 1 lần/năm.
- Đối với bệnh nhân cao huyết áp cần uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi mức huyết áp thường xuyên khi điều trị.
- Kiểm tra cận lâm sàng như tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, cholesterol máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh và đo ABI ít nhất 1 lần/năm.
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, không hút thuốc, uống rượu, rèn luyện thói quen ăn nhạt để hạn chế bị cao huyết áp, kiểm soát cân nặng,…
Kiểm soát huyết áp ở mức cân bằng chính là phương pháp hữu hiệu để hạn chế những biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm. Đối với bệnh nhân cao huyết áp cần tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ.