Bệnh mất trí nhớ ở người già biểu hiện ra sao, cần làm gì?

Bệnh mất trí nhớ ở người già là biểu hiện của thoái hóa não bộ. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà còn làm giảm khả năng ngôn ngữ, tư duy. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh mất trí nhớ ở người già cũng như cách phòng tránh và điều trị, hãy cùng tham khảo ngay bài viết sau đây nhé!

I. Bệnh Alzheimer là gì?

Bệnh Alzheimer hay còn gọi là bệnh mất trí nhớ ở người già là một trong những căn bệnh phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi. Bệnh xuất hiện do sự mất dần các nơron thần kinh và synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và trí nhớ của người cao tuổi. 

Bệnh mất trí nhớ ở người già thường diễn tiến chậm. Ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ xuất hiện những dấu hiệu đãng trí, hay quên. Ở giai đoạn cuối, não bộ dần phá hủy gây nên những tổn thương trầm trọng và không thể hồi phục. Theo một số nghiên cứu, người mắc bệnh Alzheimer chỉ có thể sống được khoảng 8 -10 năm khi bệnh bắt đầu khởi phát.

Benh mat tri nho o nguoi gia la gi - Viện Lão Tâm An

Bệnh mất trí nhớ ở người già là căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình. Cụ thể như sau:

  • Tiến triển chậm và không thể chữa trị: Bệnh Alzheimer phát triển chậm qua nhiều năm, làm suy yếu từng bước chức năng của não bộ. Hiện tại, chưa có phương pháp chữa trị hoàn toàn cho căn bệnh này.
  • Gây ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tự chăm sóc: Người mắc bệnh thường hay quên, trường hợp nặng có thể gây mất trí nhớ nghiêm trọng và không biết cách tự chăm sóc bản thân. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi họ không thể nhớ cách sử dụng các thiết bị an toàn như bếp ga hay điện thoại.
  • Tác động đến tâm lý và tinh thần: Người bệnh thường trải qua tình trạng lo âu, trầm cảm.
  • Gánh nặng cho gia đình và người chăm sóc: Người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer phải đối mặt với áp lực tinh thần, thời gian và tài chính. Việc chăm sóc người bệnh đòi hỏi kiên nhẫn, sự thông cảm và hiểu biết về căn bệnh này.

Có thể thấy bệnh mất trí nhớ ở người già không phải là một căn bệnh đơn giản, dễ điều trị nên cần tìm hiểu thật kỹ các biểu hiện để phần nào giảm bớt sự tiến triển của bệnh.

 II. Triệu chứng bệnh mất trí nhớ ở người già

Bệnh mất trí nhớ ở người già phát triển qua nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, dấu hiệu và biểu hiện của bệnh mất trí nhớ sẽ khác nhau.

1. Giai đoạn khởi phát bệnh

Giai đoạn tiền mất trí nhớ hay còn gọi là giai đoạn ban đầu của bệnh mất trí nhớ ở người già. Ở giai đoạn này, người bệnh thường sẽ có những biểu hiện cụ thể như sau:

  • Khó khăn trong việc nhớ: Người bệnh thường cảm thấy khó khăn khi ghi nhớ các sự kiện và không có khả năng tiếp thu thông tin mới.
  • Giảm sự tập trung và chú ý: Người bệnh có thể trở nên thờ ơ với mọi việc xung quanh. 
  • Suy giảm nhận thức nhẹ: Một số biểu hiện như quên mất cách sử dụng một vật dụng nào đó có thể xuất hiện. 

1. Giai doan khoi phat benh mat tri nho o nguoi gia - Viện Lão Tâm An

Giai đoạn đầu sẽ khiến nhiều người thờ ơ và chủ quan, tuy nhiên nếu phát hiện kịp thời bệnh sẽ có thể kiểm soát được tốt hơn.

2. Giai đoạn bệnh nhẹ

Bước vào giai đoạn này, bệnh có nhiều diễn tiến phức tạp hơn như:

  • Khả năng học hỏi kém: Não bộ dần suy giảm dẫn đến trí nhớ ngày càng kém hơn, giảm khả năng tập trung, gây hạn chế khả năng học hỏi, tiếp thu những điều mới.
  • Chức năng ngôn ngữ suy giảm: Người bệnh có thể gặp tình trạng suy giảm vốn từ, khả năng nói kém lưu loát và gây ảnh hưởng đến các hoạt động nói và viết hàng ngày.
  • Khó kiểm soát hành động: Bệnh mất trí nhớ ở người già giai đoạn này có dấu hiệu khó phối hợp vận động nhưng chỉ ở mức độ nhẹ và không đáng kể.

Giai doan nhe cua benh mat tri nho o nguoi gia - Viện Lão Tâm An

Diễn giải một cách dễ hiểu thì giai đoạn này, người bệnh có thể sẽ thường xuyên gặp phải tình trạng lãng quên đồ đạc bất cứ nơi đâu và bất cứ nơi nào kể cả là vật có giá trị. Đồng thời họ còn có thể bị hạn chế ngôn ngữ trong lời nói khi họ không thể nhớ đúng từ mà mình muốn truyền đạt.

3. Giai đoạn bệnh phát triển khá nặng

Ở giai đoạn này, người bệnh chuyển sang những dấu hiệu nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như:

  • Khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động sinh hoạt hằng ngày. 
  • Không nhớ từ vựng, khả năng nhận thức ngôn ngữ giảm, khả năng đọc, viết cũng dần mất đi.
  • Suy giảm trí nhớ trầm trọng, không nhớ những sự việc, hiện tượng đã diễn ra, bệnh nhân có thể quên mất những người thân xung quanh.
  • Hành vi thay đổi, tính khí thất thường, khó chịu và phản kháng lại sự quan tâm, chăm sóc của mọi người.

Giai doan phat trien nang cua benh mat tri nho o nguoi gia - Viện Lão Tâm An

Cũng chính vì vậy trong giai đoạn này gia đình phải thấu hiểu và quan tâm nhiều hơn không nên làm cho người bệnh sợ hãi, hay phản ứng mạnh.

4. Giai đoạn bệnh nặng

Bệnh mất trí nhớ ở người già chuyển nặng sẽ phải đối mặt với những tình trạng sau:

  • Mất khả năng chăm sóc bản thân, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.
  • Bệnh nhân mất khả năng ngôn ngữ hoàn toàn hoặc chỉ có thể nói được các từ, cụm từ đơn giản. 
  • Khi bị mất trí nhớ, các khối cơ cũng dần thoái hóa và có thể gây liệt cho người bệnh.
  • Giai đoạn nặng có thể dẫn đến tử vong.

Benh mat tri nho o nguoi gia o giai doan kha nang - Viện Lão Tâm An

Bước vào giai đoạn cuối nguy hiểm, gia đình cần bên cạnh hỗ trợ, chăm sóc không nên để người bệnh một mình.

III. Nguyên nhân của bệnh mất trí nhớ ở người già

Hiện nay, các  nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh mất trí nhớ ở người già. Tuy nhiên cũng có một vài giả thuyết cho rằng người cao tuổi dễ mất trí nhớ là do:

  • Các tế bào não bị lão hóa và chết dần.
  • Sự phá hủy các myelin làm giảm quá trình dẫn truyền thần kinh, làm chết các tế bào này, gây suy giảm trí nhớ.
  • Cơ thể bị rối loạn quá trình sản xuất, hoạt động của các chất oxy hóa cũng bị rối loạn.

IV. Yếu tố gây ra bệnh mất trí nhớ ở người già

Bệnh mất trí nhớ ở người già có thể bắt nguồn từ những yếu tố sau đây:

  • Độ tuổi: Tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân gây mất trí phổ biến. Độ tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn, nhất là đối với những bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên.
  • Di truyền: Trong gia đình có người mắc phải căn bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh Alzheimer càng cao.
  • Giới tính: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nguy cơ mất trí nhớ ở người cao tuổi là nữ cao hơn so với nam giới.
  • Các bệnh lý như hội chứng Down, chấn thương sọ não, trầm cảm, tim mạch, cholesterol tăng cao, bị đái tháo đường,… cũng chính là những yếu tố có thể gây mất trí nhớ ở người cao tuổi.
  • Không vận động thể lực, trí não, chế độ ăn uống bất hợp lý có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ.

Vì thế bạn cần có một chế độ ăn uống khoa học, nên vận động bằng các trò chơi thể thao phù hợp đồng thời chú ý đến các biểu hiện để nhận biết cũng như điều trị sớm cho chính bản thân và người thân trong gia đình.

V. Cách điều trị bệnh mất trí nhớ ở người già

Bệnh Alzheimer nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Để ức chế và làm chậm quá trình phát triển của bệnh, bạn có thể tham khảo thêm các cách điều trị dưới đây:

1. Điều trị Alzheimer bằng thuốc

Các loại thuốc như thuốc kháng cholinesterase hay Memantine – một chất kháng thụ thể N-methyl-D-aspartate thường được bác sĩ kê để làm giảm quá trình phát triển của bệnh. Bên cạnh đó, cần phải kết hợp thêm một số loại thuốc điều trị các biểu hiện (mất ngủ, khó khăn trong việc kiểm soát hành động, loạn thần,…) do mất trí nhớ ở người già gây nên. 

2. Chế độ chăm sóc người mắc chứng Alzheimer

Chế độ chăm sóc cũng là một trong những yếu tố có thể làm giảm nhẹ tình trạng bệnh. Do đó, người chăm sóc bệnh nhân Alzheimer cần lưu ý một số vấn đề sau: Tạo môi trường sống thoải mái, an toàn, không để người bệnh tránh xa các vật dụng có khả năng gây nguy hiểm. Thường xuyên tâm sự, trò chuyện để giúp người bệnh có tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn. Tổ chức các hoạt động vận động hoặc rèn luyện trí não. 

3. Chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày

Người bệnh mất trí nhớ ở người già cần được bổ sung các nhóm thực phẩm, rau củ quả cần thiết, đặc biệt là các loại vitamin, khoáng chất như vitamin E – C, các acid folic,… tránh xa các đồ ăn dầu mỡ, tránh xa đố uống có cồn. Bên cạnh đó, cần giúp người bệnh tham gia nhiều hoạt động kích thích trí tuệ như đọc sách, giải đố,… hoặc các hoạt động kết nối cộng đồng.

Trên đây là những thông tin về bệnh mất trí nhớ ở người già. Hy vọng rằng với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này và nắm bắt được cách điều trị để giảm nhẹ tình trạng bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Facebook Tiktok Youtube