Trước khi đưa người thân vào Viện Dưỡng Lão, cần tìm hiểu thật kỹ những thông tin về viện như: Địa chỉ, cơ sở vật chất, thực đơn, chế độ chăm sóc, giá thành và một số các thủ tục vào viện dưỡng lão hay các giấy tờ cần thiết trước khi đăng ký, sinh hoạt tại Viện Dưỡng Lão.
Tất cả những quy định được xây dựng đều nhằm mục đích chăm sóc chu đáo, tận tình và an toàn cho Người Cao Tuổi, đảm bảo “Tâm An – Thân Khỏe, Tâm An, An Nhàn Dưỡng Lão”.
I. Những giấy tờ, thủ tục đăng ký vào viện dưỡng lão
Tại Viện Dưỡng Lão Tâm An, Người Cao Tuổi cùng người đại diện bảo lãnh cho Người Cao Tuổi sẽ cùng ký hợp đồng đăng ký. Trong trường hợp Người Cao Tuổi không đủ minh mẫn thì người đại diện là con cái, vợ chồng, cha mẹ, anh chị em ruột thịt có thể đứng ra ký hợp đồng bảo lãnh. Giấy tờ, thủ tục vào viện dưỡng lão Tâm An bao gồm:
- 01 bản căn cước công dân có gắn chip, hộ chiếu, passport… ( bản sao có công chứng).
- 01 bản sổ hộ khẩu có thể hiện người cao tuổi + người đại diện bảo lãnh (bản sao có công chứng). Trong trường hợp người cao tuổi và người bảo lãnh không cùng 01 sổ hộ khẩu thì cần có giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc giấy ủy quyền nuôi dưỡng, bảo lãnh,…
- 01 đơn đăng ký: Trong đơn đăng ký cần cung cấp cụ thể thông tin cá nhân, thông tin người liên hệ, các thông tin cơ bản về tính cách, sở thích, thông tin y tế (càng cụ thể càng tốt, ví dụ các thông tin liên quan đến tình trạng bệnh lý, dị ứng,…) liên quan đến người cao tuổi.
- 01 hồ sơ khám sức khỏe tổng quát: Để nắm bắt tình trạng sức khỏe hiện tại của Người Cao Tuổi, Viện Dưỡng Lão Tâm An sẽ yêu cầu cung cấp bộ hồ sơ khám sức khỏe tổng quát trong vòng 30 ngày trước khi đăng ký.
- 01 bản hợp đồng: Sau khi đi đến thỏa thuận rõ ràng, Người Cao Tuổi và gia đình cùng Viện Dưỡng Lão Tâm An sẽ ký hợp đồng đăng ký. Mỗi bên giữ một bản, có giá trị pháp lý để cùng theo dõi và thực hiện.
- Đóng chi phí tham gia Viện Dưỡng Lão: Có rất nhiều gói dịch vụ để Người Cao Tuổi và người thân lựa chọn: Gói theo phòng, theo tình trạng sức khỏe và các gói cộng thêm khi sử dụng dịch vụ. Thông thường gia đình sẽ đóng theo tháng, theo quý, theo năm cộng thêm với phí ký quỹ tương đương 1 tháng. Phí này sẽ đóng khi ký hợp đồng và được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp hoặc hoàn trả sau khi kết thúc hợp đồng.
II. Khi Người Cao Tuổi vào Viện Dưỡng Lão Tâm An cần mang theo những gì?
- Mang theo đồ dùng cá nhân như quần áo, dép, có thể mang theo khăn mặt, bàn chải đánh răng (nếu muốn), hiện Tâm An đã trang bị: chăn, gối, ga, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải,… một số các dụng cụ y tế cá nhân mà người cao tuổi cần trong quá trình sinh hoạt như: kính, vật dụng chăm sóc cá nhân, và bất kỳ vật dụng hỗ trợ khác.
- Bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, điều trị và các loại thuốc được kê đơn từ bác sĩ (nếu có), toa thuốc có ghi rõ lịch trình, liều lượng sử dụng thuốc, thông tin (số điện thoại) của bác sĩ, điều dưỡng, chuyên gia y tế đang tham gia điều trị, khám chữa bệnh cho Người Cao Tuổi (nếu có).
- Mang theo sữa, bánh trái bổ sung khi Người Cao Tuổi có nhu cầu.
- Khi Người Cao Tuổi có nhu cầu sử dụng xe lăn, gia đình vui lòng mang theo xe có ghi tên của Người Cao Tuổi.
- Tuyệt đối không để người cao tuổi mang theo tiền, tư trang như vàng bạc, đá quý vào Viện Dưỡng Lão. Nếu có mang theo tiền, vui lòng liên hệ và làm thủ tục vào viện dưỡng lão Tâm An gửi tại văn phòng Viện.
- Tuyệt đối không được mang theo rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích vào Viện Dưỡng Lão
III. Thủ tục khi muốn đón người Cao Tuổi về thăm gia đình
Vào những dịp đặc biệt, lễ tết hoặc những ngày giỗ chạp hay du lịch, tụ họp của gia đình, người thân có thể đón người cao tuổi về và phải tuân thủ những quy định sau:
- Phải báo trước cho Viện Dưỡng Lão ít nhất 24h.
- Người đón phải là người bảo lãnh. Trong trường hợp người đón không phải là người bảo lãnh, phải có giấy ủy quyền có xác nhận của cơ quan chức năng.
- Thời gian đón Người Cao Tuổi: Sáng: 08h00 – 10h30; Chiều: 14h00 – 17h00
IV. Thủ tục để đón Người Cao Tuổi quay về gia đình
Khi gia đình muốn đón Người Cao Tuổi, cần hoàn tất một số thủ tục để đảm bảo thuận lợi và an toàn. Bao gồm:
- Kiểm tra các tư trang cá nhân và các vật dụng gia đình và Người Cao Tuổi mang vào viện dưỡng lão như: Quần áo, sách vở, điện thoại, sạc pin, giày dép, xe lăn, kính,… trong trường hợp có gửi đồ dùng, tiền bạc tại văn phòng, Dưỡng lão cũng sẽ hoàn trả (có ký nhận) cho gia đình.
- Nhận đầy đủ các hồ sơ, thông tin y tế, thuốc bao gồm: thẻ bảo hiểm, hờ sơ khám, chữa bệnh, toa thuốc, lịch trình uống thuốc, thăm khám bác sĩ,…
- Thanh toán chi phí sinh hoạt, chăm sóc hoàn thiện (có chữ ký xác nhận trong biên bản hủy hợp đồng).
Vui lòng kiểm tra kỹ với nhân viên y tế để đảm bảo hoàn tất các thủ tục và có 1 trải nghiệm an toàn, thuận lợi nhất tại Viện Dưỡng Lão Tâm An.
V. Những quy định khi vào Viện Dưỡng Lão thăm Người Cao Tuổi
- Giờ vào thăm người cao tuổi: Sáng từ 9h đến 10h30, chiều từ 14h đến 16h30, sau thời gian này các cụ cần nghỉ ngơi và sinh hoạt theo lịch trình của Viện Dưỡng Lão. Khi vào thăm cần ghi thông tin vào sổ nhật ký thăm.
- Không tự ý cho người cao tuổi cũng như người thăm uống rượu bia, hút thuốc và an quà bánh khi chưa có sự đồng ý của nhân viên Viện Dưỡng Lão. Nếu người thăm cho tiền, quà bánh, vui lòng thông báo với nhân viên chăm sóc và ghi vào sổ nhật ký.
- Không đưa tiền, cho tiền nhân viên phục vụ
- Không dẫn Người Cao Tuổi ra khỏi khuôn viên của Viện Dưỡng Lão, không mang đồ đạc, tư trang của Người Cao Tuổi ra ngoài khi chưa được sự đồng ý của nhân viên Viện Dưỡng Lão.
- Vì sự riêng tư và cá nhân của Người Cao Tuổi, vui lòng không quay phim, chụp ảnh khi không có sự cho phép của nhân viên Viện.
VI. Những quy định đối với Người Cao Tuổi khi đăng ký và sinh hoạt tại Viện Dưỡng Lão
- Cung cấp đầy đủ thông tin, giấy tờ cần thiết khi đăng ký vào Viện Dưỡng Lão.
- Tuân thủ đầy đủ các quy định tại Viện Dưỡng Lão
- Sinh hoạt đúng theo lịch trình của Viện Dưỡng Lão. Giữ gìn nơi ở, vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng. Giữ gìn an ninh trật tự chung, không gây ồn ào, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Không nói to, mở ti vi, mở đèn vào thời gian ngủ nghỉ chung. Thái độ ôn hòa, hòa nhã với những người xung quanh.
- Đồ ăn, thuốc, bánh trái Người Cao Tuổi sử dụng phải có sự giám sát của nhân viên chăm sóc. Không được uống rượu bia, hút thuốc, chất kích thích,… Không mang tài sản, tiền bạc vào Viện. Nếu được cho, biếu phải gửi tại Văn phòng Viện (có ghi vào sổ giao nhận). Quần áo, tư trang cá nhân sẽ được quản lý bởi nhân viên chăm sóc.
- Có ý thức bảo quản tài sản cá nhân và tài sản của Viện. Không tự ý di dời các đồ vật. Trong trường hợp bị hư hỏng do Người Cao Tuổi, gia đình sẽ phải đền bù tương ứng.
Với những thủ tục, quy định nêu trên, hy vọng gia đình và Người Cao Tuổi nắm được thông tin để thực hiện nhanh chóng, dễ dàng, đảm bảo Người Cao Tuổi có những trải nghiệm tốt, an toàn và an nhàn trong thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, dưỡng lão vào tuổi già.