Sơ cứu đột quỵ đúng cách sẽ giúp hạn chế tỷ lệ tổn thương não bộ, đồng thời giảm nguy cơ tử vong và các di chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu về thời điểm vàng và các phương pháp sơ cứu đột quỵ đúng cách tại nhà để giảm thiểu thương tổn do đột quỵ gây ra bạn nhé!
I. Đột quỵ nguy hiểm như thế nào?
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh lý nguy hiểm và để lại nhiều biến chứng nặng nề , thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ:
- Đột quỵ các động mạch đến não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông (đột quỵ do thiếu máu cục bộ)
- Đột quỵ do mạch máu trong não bị vỡ, chảy máu (đột quỵ do xuất huyết).
Đối tượng dễ gặp phải bệnh lý này thường là những người cao tuổi hoặc những người có bệnh nền như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, mỡ trong máu,… Đột quỵ thường xuất hiện đột ngột, làm tổn hại đến các tế bào não chỉ trong vài phút. Do đó, người bị đột quỵ cần phải được cấp cứu và điều trị kịp thời trong thời gian vàng (khoảng 1 tiếng đầu tiên khi phát bệnh) phòng tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
- Bệnh nhân đột quỵ có thể gặp một số biến chứng như:
- Bị liệt nửa người hoặc liệt các chi, suy giảm khả năng vận động.
- Gặp các vấn đề về giọng nói, khó khăn trong việc giao tiếp.
- Suy giảm thị lực, mắt mờ, yếu.
- Rối loạn cảm xúc, gặp các vấn đề về tâm lý.
- Trường hợp nặng có thể dẫn đến sống đời sống thực vật hoặc thậm chí là tử vong.
II, Dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ?
Có 2 quy tắc giúp bạn nhận biết những dấu hiệu của đột quỵ gồm:
1. Quy tắc FAST
Quy tắc này phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ qua 4 biểu hiện sau:
- F (Face – Khuôn mặt): Mặt có những dấu hiệu khác thường như cười méo miệng, rối loạn thị lực.
- A (Arm – Tay): Tay và chân mệt mỏi khó cử động.
- S (Speech – Giọng nói): Nói bị líu lưỡi, không rõ chữ, không diễn đạt được.
- T (Time – Thời gian): Những dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai hoặc tay chân mất sức,… diễn ra đột ngột, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.
2. Quy tắc BE FAST
BE FAST là một trong những quy tắc điển hình giúp bạn nhanh chóng phát hiện ra những dấu hiệu của đột quỵ. Theo đó, quy tắc này chỉ rõ những biểu hiện thường gặp ở đột quỵ gồm:
- B (Balance – Thăng bằng): Bệnh nhân đột quỵ thường mất khả năng phối hợp vận động, đau đầu, chóng mặt dữ dội và không giữ được thăng bằng.
- E (Eyesight – Thị lực): Nếu gặp phải tình trạng mắt mờ hoặc suy giảm thị lực thì bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám bởi đây là dấu hiệu của đột quỵ.
- F (Face – Mặt): Khi oxy không kịp cung cấp đến não bộ, các dây thần kinh cũng bị ảnh hưởng dẫn đến nhiều sự biến đổi trên khuôn mặt như miệng méo, nhân trung bị lệch,…
- A (Arm – Tay): Các cử động của bệnh nhân bị hạn chế do các chi bị tê liệt, suy yếu.
- S (Speech – Giọng nói): Người bị đột quỵ thường gặp tình trạng nói đớt, nói ngọng, phát âm không rõ, nói dính chữ,…
- T (Time – Thời gian): Đột quỵ diễn ra rất đột ngột do đó thời gian là yếu tố quan trọng nhất cần ghi nhớ để giảm thiểu những biến chứng của đột quỵ gây nên. Thời điểm vàng để chữa trị cho bệnh nhân đột quỵ là trong 1 tiếng đầu tiên ngay khi phát bệnh.
III. Cách sơ cứu đột quỵ tại nhà
Khi phát hiện người bệnh có những biểu hiện của đột quỵ như mất thăng bằng, té ngã hoặc bất tỉnh, bạn cần thực hiện các bước sơ cứu sau đây:
- Bước 1: Gọi điện cho cơ sở y tế hoặc cấp cứu gần nhất
- Bước 2: Thực hiện các bước sơ cứu đột quỵ cho bệnh nhân
– Đặt người bị đột quỵ nằm ở nơi an toàn, phần đầu và phần lưng ở tư thế nghiêng 45 độ để tránh sặc đường thở.
– Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho bệnh nhân, nới lỏng hoặc cởi bớt quần áo không cần thiết như cà vạt hay khăn quàng cổ khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở.
– Dùng ngón tay trỏ hoặc khăn lấy sạch đờm trong miệng người bệnh. Trường hợp nếu có răng giả phải tháo răng giả để tránh hóc, sặc.
– Trò chuyện và trấn an bệnh nhân, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp chăn tránh bị nhiễm lạnh.
– Tuyệt đối không được di chuyển người bệnh hoặc cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì trong thời gian phát bệnh.
– Quan sát, ghi nhớ cẩn thận nguyên nhân, biểu hiện, sự thay đổi bất thường của bệnh nhân.
- Bước 3: Khai báo tất cả trạng thái, biểu hiện phát bệnh của người bệnh cho nhân viên y tế.
Khi bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa, cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn để không gây bít tắc đường thở và các chất nôn dễ dàng thoát ra bên ngoài.
IV. Những sai lầm tuyệt đối phải tránh khi sơ cứu đột quỵ
Sơ cứu đột quỵ tại nhà, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
– Khi bệnh nhân có dấu hiệu nôn mửa tuyệt đối không được đặt bệnh nhân nằm ngửa mà phải xê dịch sang tư thế nằm nghiêng an toàn để không gây bít tắc đường thở và các chất nôn dễ dàng thoát ra bên ngoài.
– Tuyệt đối không cạo gió, dùng kim chích đầu ngón tay bệnh nhân.
– Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì khi chưa được sự cho phép của bác sĩ, chuyên viên y tế.
– Khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, cấp cứu gần nhất để được điều trị kịp thời.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn có thêm kiến thức về phương pháp sơ cứu đột quỵ đúng cách để giúp hạn chế những rủi ro, biến chứng do đột quỵ gây nên.