Suy tim cấp thường diễn ra đột ngột, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vậy làm thế nào để chẩn đoán, điều trị suy tim cấp? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn sâu sắc về bệnh lý này, từ nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị, đến cách phòng ngừa.
I. Suy tim cấp là gì?
Suy tim cấp là tình trạng tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể dẫn đến suy tim đột ngột. Trong đó, giảm cung lượng tim hệ thống và sung huyết phổi chính là những triệu chứng điển hình của bệnh lý này.
Khi bị suy tim cấp, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và cấp cứu nhanh nhất, giúp tim phục hồi hoạt động và tránh những biến chứng có thể xảy ra.
II. Các loại suy tim thường gặp
Có 3 tình trạng suy tim phổ biến nhất hiện nay, gồm:
1. Suy tim trái
Khi tâm thất trái suy yếu gây ảnh hưởng đến hoạt động chức năng, lượng máu, oxy và dưỡng chất cung cấp cho cơ thể bị thiếu hụt dẫn đến suy tim. Các triệu chứng thường gặp ở suy tim trái gồm mệt mỏi, khó thở, sưng chân,… nặng hơn có thể gặp các biến chứng nguy hiểm hoặc suy tim toàn bộ.
Suy tim trái cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não, thận, gan và các cơ quan khác. Do đó, cần phải được điều trị nhanh chóng và kịp thời.
2. Suy tim phải
Tâm thất phải có vai trò quan trọng trong việc đưa máu từ tim tới phổi để trao đổi khí, giúp đào thải cacbonic và hấp thu lượng oxy cần thiết. Do đó, khi tâm thất phải suy yếu, khả năng đẩy máu đến phổi cũng mất dần, gây ra những cơn đau tim và các vấn đề nghiêm trọng khác.
Không chỉ vậy, suy tim phải còn gây thiếu hụt oxy trong toàn hệ thống tuần hoàn, làm tăng áp lực trong hệ mạch phổi và có thể dẫn đến sưng phổi. Tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân, gây khó thở, mệt mỏi, thậm chí có thể làm tích tụ chất lỏng ở các vùng khác nhau như vùng sinh dục, vùng bụng,…
3. Suy tim toàn bộ
Đây được xem là tình trạng nghiêm trọng nhất của hệ thống tim mạch, gây suy giảm tâm thất trái và tâm thất phải, các hoạt động chức năng của tim cũng dần suy yếu. Lúc này, tim không thể bơm máu và tuần hoàn máu đến cơ thể hiệu quả.
Biểu hiện phổ biến nhất của suy tim toàn bộ là sưng phổi. Ngoài ra, người bệnh còn có nguy cơ gặp phải các triệu chứng như khó thở, đau ngực hoặc khò khè.
III. Suy tim cấp có nguy hiểm không?
Suy tim cấp được xem là một trong những tình trạng bệnh lý nguy hiểm có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Thiếu máu: Hoạt động chức năng của tim suy yếu có thể dẫn đến tình trạng máu thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc hemoglobin, gây ra suy nhược, mệt mỏi.
- Suy giảm chức năng thận: Đây là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân suy tim. Bệnh nhân cần phải theo dõi và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm hơn có thể xảy ra.
- Suy giãn tĩnh mạch: Nguyên nhân chủ yếu là do máu lưu thông kém, biểu hiện rõ nhất là sự thay đổi màu sắc của da, trông sáng, bóng
- Rụng tóc, vết thương hở lâu lành, lở loét.
Bên cạnh những biến chứng trên, bệnh nhân suy tim cấp còn phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
IV. Phương pháp chẩn đoán suy tim cấp
Với sự phát triển không ngừng của y học, hiện nay có nhiều phương pháp chẩn đoán chính xác suy tim như:
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Phương pháp này sử dụng các điện cực để theo dõi hoạt động của tim và có thể phát hiện các dấu hiệu của suy tim, như nhịp tim không đều hoặc thiếu máu tim.
- Theo dõi nồng độ oxy trong máu.
- Thực hiện xét nghiệm máu cũng là một trong những phương pháp chẩn đoán để phát hiện những nguyên nhân gây suy tim.
- Phương pháp chụp X-quang ngực dùng để theo dõi phản ứng của hệ tim mạch.
- Siêu âm tim thường được sử dụng để khảo sát hoạt động của tim và xác định tình trạng suy tim.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) tim là phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng để kiểm tra và phát hiện những tổn thương tim.
V. Làm thế nào để ngăn ngừa suy tim?
Suy tim cấp không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Do đó, việc phòng ngừa, ngăn chặn suy tim từ sớm sẽ giúp hạn chế những nguy cơ và rủi ro nguy hiểm. Dưới đây là một số cách phòng ngừa suy tim hiệu quả, bạn có thể tham khảo:
1. Luyện tập thể dục thể thao
Việc tham gia các hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe, đặc biệt là tim mạch. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị mỗi người nên luyện tập thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe tim mạch. Bạn có thể lựa chọn luyện tập bất kỳ bộ môn thể dục thể thao từ cường độ vừa phải như làm vườn, đi bộ nhanh, khiêu vũ hoặc cường độ mạnh như chạy, bơi, đi bộ đường dài,…
2. Duy trì cân nặng ở mức ổn định
Thừa cân, béo phì chính là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc suy tim cấp. Do đó, bạn cần giữ cân nặng ở mức cho phép. Điều này sẽ giúp cải thiện huyết áp, cholesterol và ngăn ngừa suy tim hiệu quả.
3. Chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống cũng là yếu tố, tác nhân hàng đầu dẫn đến suy tim. Việc ăn uống đúng cách, khoa học cũng cũng chính là giải pháp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch hiệu quả. Các chuyên gia khuyến nghị nên bổ sung rau xanh, trái cây tươi, sử dụng các loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như dầu hạt, dầu oliu, bổ sung vi chất, dinh dưỡng từ các loại cá,…
4. Hạn chế muối
Giảm lượng muối trong chế độ ăn hàng ngày sẽ góp phần hạn chế mắc suy tim cấp. Bởi lượng muối và natri cao có thể dẫn đến cao huyết áp, ảnh hưởng đến hệ tim mạch. Lượng natri và muối có thể tiêu thụ được các chuyên gia khuyến nghị dao động từ 1.500 mg đến 2.300 mg/ngày.
Hy vọng rằng, với những thông tin hữu ích được chia sẻ trên đây, bạn đã hiểu rõ hơn về suy tim cấp. Từ đó đưa ra những phương pháp phù hợp, ngăn ngừa suy tim hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.